Hướng dẫn chi tiết cách bảo quản sữa mẹ an toàn và đúng khoa học

Hướng dẫn chi tiết cách bảo quản sữa mẹ an toàn và đúng khoa học

Cách bảo quản sữa mẹ an toàn và đúng khoa học là những điều mà rất nhiều gia đình quan tâm hiện nay vì trẻ nhỏ rất nhạy cảm nên sữa không đảm bảo sẽ rất dễ gây ảnh hưởng cho sức khỏe của bé. Bài viết dưới đây trong chuyên mục mẹo vặt của petrifiedtruth sẽ hướng dẫn bạn một cách chi tiết và đầy đủ nhất.

I. Các trường hợp cần trữ sữa mẹ

Cho trẻ bú sữa mẹ trực tiếp vẫn là biện pháp tốt nhất để con có thể hấp thụ được dưỡng chất mà không lo bị nhiễm khuẩn hay bất cứ vấn đề gì, hơn nữa cho bé bú trực tiếp cũng là cách để làm tăng tình cảm của em bé và mẹ. Tuy nhiên, vì một vài trường hợp bất đắc dĩ thì việc vắt sữa sau đó trữ sữa mẹ cho em bé ăn là một giải pháp hợp lý. Một số trường hợp cần trữ sữa mẹ phải kể đến như:

  • Trường hợp em bé sinh non được nuôi trong lồng kính hoặc đang nằm viện phải cách ly với mẹ.
  • Mẹ đi làm và không thể ở bên cạnh em bé thường xuyên.
  • Người mẹ ra sữa không đều, lúc nhiều lúc ít cũng nên trữ sữa.
  • Bé được gửi đi trẻ sớm và mẹ vẫn muốn cho em bé dùng sữa mẹ.
Đối với trẻ sinh non nuôi trong lồng kính thì việc trữ sữa mẹ là rất cần thiết
Đối với trẻ sinh non nuôi trong lồng kính thì việc trữ sữa mẹ là rất cần thiết

II. Những lưu ý khi tiến hành vắt sữa mẹ

1. Lưu ý về dụng cụ và vệ sinh các dụng cụ vắt sữa

Trước mỗi lần sử dụng, mẹ đều phải vệ sinh sạch sẽ cả dụng cụ hút sữa lẫn đựng sữa như sau:

  • Dùng chổi và miếng cọ rửa chuyên dụng vệ sinh sạch.
  • Rửa qua dụng cụ hút sữa và đựng sữa bằng nước lạnh.
  • Lau rửa kỹ lại phần đáy và các góc kẽ nhỏ.
  • Để ráo tự nhiên.
  • Tiệt trùng lại bằng nước sôi.
Các dụng cụ vắt và trữ sữa cần được tiệt trùng trước khi sử dụng
Các dụng cụ vắt và trữ sữa cần được tiệt trùng trước khi sử dụng

2. Những điều không thể bỏ qua khi vắt sữa mẹ

Yếu tố vệ sinh rất được chú trọng không chỉ khi lưu trữ và bảo quản sữa mẹ, mà còn đòi hỏi từ bước vắt hoặc bơm sữa ban đầu. Người mẹ cần lưu ý những điều sau trước khi vắt sữa:

  • Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước, hoặc dùng dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa ít nhất 60% cồn;
  • Có thể vắt sữa mẹ bằng tay, bằng máy bơm tay hoặc máy hút điện;
  • Nếu sử dụng máy bơm, cần kiểm tra bộ dụng cụ bơm và ống dây dẫn để đảm bảo vệ sinh. Vứt bỏ và thay thế ngay nếu các ống bị mốc hoặc không được sạch sẽ;
  • Lau sạch các nút bấm, công tắc nguồn và bề mặt máy bơm bằng khăn thấm dung dịch tẩy rửa.

III. Cách bảo quản sữa mẹ an toàn và khoa học

Sữa mẹ sau khi vắt sẽ cần được bảo quản trong tủ lạnh riêng để tránh cho việc hư hỏng hay nhiễm khuẩn từ những loại thực phẩm khác và để bảo quản sữa mẹ an toàn và khoa học bạn cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc sau:

  • Sữa mẹ sau khi vắt ra nên đổ ngay vào túi đựng sữa chuyên dụng. Sau đó, dán nhãn bên ngoài túi trữ sữa, ghi ngày, giờ vắt, ghi tên của bé (nếu bạn gửi bé đi nhà trẻ).
  • Cất sữa đã vắt vào tủ lạnh ngay khi có thể. Nếu không thể, hãy để sữa ở nhiệt độ phòng có mức nhiệt khoảng 26°C nhưng lưu ý là chỉ để trong vòng 6 giờ. Tránh xa những nơi có bức xạ, ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn nhiệt khác.
  • Có thể bảo quản sữa lên đến 48 giờ trong tủ lạnh hoặc làm lạnh nhanh trong 30 phút và trữ đông ngay sau đó.
  • Sữa sẽ tinh khiết ở trạng thái đông. Sữa có thể trữ trong vòng từ 1 – 2 tuần khi được trữ trong tủ lạnh cửa đơn, khoảng ba tháng khi trữ trong tủ lạnh hai cửa có phun sương, sáu tháng trong loại tủ luôn duy trì mức nhiệt là -18° C.
  • Chia sữa thành các túi nhỏ với dung tích từ 80 – 120 ml để giảm thiểu thời gian làm lạnh, tránh lãng phí, khi rã đông thì sữa tan nhanh hơn.
  • Nếu bị cúp điện trong thời gian dài, bạn nên lấy các túi sữa đã trữ đông xếp vào thùng cách nhiệt cùng với đá viên.
Cần kí hiệu thời gian sữa được vắt để tiện theo dõi và sử dụng
Cần ký hiệu thời gian sữa được vắt để tiện theo dõi và sử dụng

IV. Cách rã đông và hâm nóng sữa mẹ cho em bé dùng

1. Cách rã đông sữa mẹ

  • Tuân thủ nguyên tắc vào trước, ra trước (first in, first out): Luôn rã đông trước bình sữa có ngày vắt lâu nhất ghi trên nhãn vì theo thời gian chất lượng sữa mẹ có thể giảm;
  • Cách rã đông sữa mẹ: Để bình sữa trong tủ lạnh qua đêm, nếu cần rã đông nhanh thì đặt vào chậu chứa nước ấm hoặc dưới vòi nước ấm đang chảy;
  • Không rã đông hoặc làm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng: Nhiệt độ cao và vi sóng có thể phá hủy các chất dinh dưỡng, enzyme và kháng thể miễn dịch của sữa mẹ, ngoài ra còn làm bỏng miệng bé do các phần nóng lạnh không đều;
  • Sử dụng sữa mẹ trong vòng 24 giờ sau khi rã đông trong tủ lạnh: Thời gian được tính kể từ khi sữa đã tan hoàn toàn, không phải bắt đầu từ lúc bình sữa được lấy ra khỏi tủ trữ sữa;
  • Khi sữa mẹ rã đông trở về nhiệt độ phòng hoặc được làm ấm sau thời gian lưu trữ, nên sử dụng trong vòng 2 giờ. Không trữ đông sữa mẹ lần nữa sau khi đã rã đông.
Có thể rã đông sữa mẹ bằng cách cho vào cốc nước ấm
Có thể rã đông sữa mẹ bằng cách cho vào cốc nước ấm

Ngoài ra, sau thời gian bảo quản sữa mẹ trong tủ trữ sữa có thể xuất hiện hiện tượng phân tách lớp, nên lắc nhẹ bình sữa để trộn đều chất kem béo. Nếu bé không bú hết bình sữa, phần còn dư lại vẫn có thể được sử dụng trong vòng 2 giờ tiếp theo, sau thời gian này thì nên loại bỏ.

2. Hâm nóng sữa mẹ an toàn

Thực tế, sữa mẹ không cần phải hâm nóng vì có thể cho bé bú ở nhiệt độ phòng hoặc lạnh hơn. Nếu quyết định hâm nóng sữa mẹ, nên tham khảo một số lời khuyên sau:

  • Luôn giữ bình chứa kín trong khi hâm nóng;
  • Làm ấm sữa mẹ bằng cách đặt bình chứa vào chậu nước ấm hoặc cho nước ấm (không nóng) chảy qua bình chứa trong vài phút;
  • Không làm nóng sữa mẹ trực tiếp trên bếp hoặc trong lò vi sóng;
  • Kiểm tra nhiệt độ của sữa mẹ trước khi cho bé bú bằng cách nhỏ vài giọt lên cổ tay. Độ ấm thích hợp là tương đương với thân nhiệt cơ thể.

V. Sữa mẹ có bị ảnh hưởng gì sau khi bảo quản hay không?

Đây chắc chắn là một trong những câu hỏi mà nhiều mẹ quan tâm nhất. Sữa được trữ trong tủ lạnh thường có mùi xà phòng. Sau rã đông sữa có mùi nặng hơn sữa để ngăn mát. Men lipase trong sữa mẹ phân hủy chất béo thành các axit béo. Khi bé bú trực tiếp, quá trình này thường xảy ra sau khi sữa vào hệ tiêu hóa của bé, mục đích hỗ trợ bé tiêu hóa tốt sữa mẹ. Vì vậy, nó hoàn toàn không có hại gì với các bé, nhưng có một số bé sẽ từ chối không uống sữa này.

Kiểm tra mùi vị sữa trước khi để vào tủ đông. Để từ 1 – 2 túi sữa đông lạnh và thời gian bảo quản sữa mẹlà khoảng 5 ngày. Sau đó, bạn hãy kiểm tra mùi vị và xem bé có uống được hay không. Nếu trước khi rã đông mà sữa đã có mùi, bạn hãy bỏ đi.

Nếu sữa chỉ có mùi nhẹ song bé vẫn không chịu uống, bạn hãy khử mùi sữa trước khi trữ đông. Sau khi hút sữa ra, bạn hãy sữa với ngọn lửa nhỏ, khi sữa hơi sôi lăn tăn thì tắt bếp để nguội rồi đem cấp đông. Cách này giúp giảm mùi rõ rệt, nhưng sẽ khiến sữa mất đi một số kháng thể.

Bảo quản sữa mẹ cần phải cẩn thận và tỉ mỉ để tránh được cho em bé gặp phải những vấn đề về sức khỏe khi dùng sữa không đảm bảo. Hi vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các mẹ trong quá trình chăm con.